Thành lập Việt_Nam_Cách_mệnh_Đồng_minh_Hội

Việt Cách là tổ chức thân Trung Hoa Dân Quốc bao gồm nhiều tổ chức chính trị hoạt động bí mật tại Việt Nam và có cơ sở tại Trung Quốc.[1][2] Sau khi Việt Nam giành độc lập, Việt Cách theo quân đội Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam.

Trước khi tổ chức này thành lập, các nhóm cách mạng ở Trung Quốc từ năm 1940 đã có ý định hợp nhất trong một tổ chức rộng rãi. Theo cuốn Understanding Vietnam của Neil L. Jamieson, từ năm 1940, những người cộng sản, Việt Quốc và một số nhóm khác đã cùng gây dựng cơ sở tại Tĩnh Tây, Quảng Tây. Sau đó Khái HưngHoàng Đạo đáp đi Trung Quốc, người của Đại Việt Dân chính Đảng (Đại Việt). Khi đó Việt Quốc di chuyển tới Côn Minh, và cùng với tổ chức cộng sản ở đây xuất bản báo chống Nhật. Khi Nhật tiến quân vào Đông Đương, các nhóm cách mạng ở Trung Quốc và Việt Nam Quốc dân Đảng thành lập Việt Nam giải phóng hội đầu năm 1942, gồm Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Minh, Đại Việt và các đảng nhỏ khác. Nguyễn Hải Thần lãnh đạo, bao gồm cả các đảng viên cộng sản như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan. Tháng Giêng năm 1942 hội rời tới Liễu Châu. Có các nhóm tham gia: Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội (lãnh đạo bởi Hoàng Lương), Việt Minh, Việt Nam Quốc dân ĐảngĐại Việt Quốc dân đảng.[3][cần số trang]

Đại hội thành lập Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội được triệu tập tại Liễu Châu, Trung Quốc, gồm các đại biểu của nhiều đảng phái như Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội... nhằm tập hợp lực lượng thành một tổ chức thống nhất. Đại hội khai mạc ngày 1 tháng 10 năm 1942 và ngày này được coi là ngày thành lập Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội.[4] Hội thành lập dưới bảo trợ của tướng Trung Hoa Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê. Đại biểu Việt Minh và đảng cộng sản bị loại trừ.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm bảy người là:

  1. Trương Bội Công,
  2. Nguyễn Hải Thần,
  3. Vũ Hồng Khanh,
  4. Nghiêm Kế Tổ,
  5. Trần Báo,
  6. Nông Kinh Du,
  7. Trương Trung Phụng.

Các ủy viên thường vụ là Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, nhưng có thế lực nhất vì được chính phủ Trùng Khánh hậu thuẫn là Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ.

Cờ của Hội là nền đỏ, góc tư trên màu lam với ba vạch trắng.[5]

Tuy nhiên vào năm 1943, Trương Phát Khuê đã giao cho Hồ Chí Minh lãnh đạo Việt Cách. Theo cuốn The Lost Revolution của Robert Shaplen: "Và chính từ thời điểm Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh, trước hết là để giấu lai lịch đối với Dai Li (Đới Lạp), trùm mật vụ của Tưởng. Với tên Hồ Chí Minh, ông trở thành người cầm đầu một tổ chức tập hợp rộng rãi các nhóm cách mạng người Việt gọi là Đồng minh Hội, được Trung Hoa Quốc dân Đảng ủng hộ, còn Việt Minh do cộng sản tổ chức lúc đầu cũng chỉ là một bộ phận của tổ chức này"[6].

Tháng Ba năm 1944 Nguyễn Hải Thần chủ trì Hội nghị các nhóm cách mạng hải ngoại của đồng minh hội, thành lập ủy ban hành chính, trong đó có ba đại biểu đảng cộng sản là Lê Tùng Sơn, Phạm Văn Đồng, và Hồ Chí Minh. Nhưng giữa năm 1944 Hồ Chí Minh trở lại Việt Nam, Vũ Hồng Khanh va chạm với Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam. Do đó liên minh này giải tán, Nguyễn Hải Thần vẫn lãnh đạo Việt Cách.[3][cần số trang]

Phản ứng của Đảng Cộng sản Đông Dương

Đánh giá sự kiện trên, Nghị quyết Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (họp từ ngày 25 đến 28 tháng 12 năm 1943) viết: "Đó là một bước tiến của việc vận động cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Tuy quan niệm của đoàn thể này lộn xộn, nhưng họ cũng chủ trương chống Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập. Trong cuộc cách mạng dân tộc giải phóng này, việc đoàn kết các lực lượng cách mạng to nhỏ và trong ngoài là một việc rất cần thiết. Vậy Đảng ta phải hết sức vận động cho Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội hợp lại làm một, đặng mau tập trung lực lượng cách mạng Việt Nam đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp."

Can thiệp của Trung Hoa Quốc dân Đảng

Với chủ trương Việt Cách sẽ trở thành một đồng minh trong việc chống lại quân Nhật tại Đông Dương, tướng Trương Phát Khuê (Trung Hoa Dân quốc) phái tướng Tiêu Văn triệu tập một cuộc đại hội để chỉnh đốn Việt Cách bằng cách đưa một số người mới vào ban lãnh đạo[cần dẫn nguồn]. Tiêu Văn đã trao đổi với Hồ Chí Minh, lúc này mới được chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do thì Hồ Chí Minh nói rằng hiện nay các thành viên của hội Việt Cách đều là người ở hải ngoại, chưa có đại biểu trong nước; như vậy, gọi là họp đại hội không ổn, có lẽ chỉ nên gọi là hội nghị đại biểu các đoàn thể của Việt Cách ở hải ngoại, thì thích hợp hơn.

Hội nghị đại biểu họp tại Liễu Châu từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 3 năm 1944, gồm 15 đại biểu các đoàn thể chưa phải là thành viên Việt Cách, trong đó có đại biểu Hội giải phóng ở Vân Nam là Lê Tùng Sơn vốn đã theo Việt Minh, đại biểu Biệt động quân ở Nam Ninh là Nguyễn Thanh Đồng cũng là Việt Minh, đại biểu Đảng Đại ViệtNguyễn Tường Tam và đại biểu Phân hội phản xâm lược đồng minh Việt Nam là Hồ Chí Minh. Tại hội nghị này, ba người cũ trong Ban Chấp hành trung ương bị thay ra và ở trong Ban giám sát là Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nông Kinh Du, còn ba người mới được thay vào là Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân LuậtTrần Đình Xuyên. Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết. Sau một thời gian Trần Đình Xuyên bị gạt ra, Hồ Chí Minh được trở thành Ủy viên Trung ương chính thức. Cuối năm 1944 Hồ Chí Minh rời bỏ Việt Cách về Việt Nam.